Saturday, November 9, 2013

1954-1975, 20 năm giấc mộng chưa tròn


Năm 1954 đánh dấu một sự biến đổi mạnh mẽ về mặt địa lý hành chính và con người, miền Nam đón nhận một cuộc đại đi dân từ miền Bắc. Sự thay đổi lớn này dường như đã được chuẩn bị từ trước nên hành trang thật gọn nhẹ cho một hành trình lớn, hành trình đi tìm cuộc sống tự do. Mảnh đất phương Nam xa xôi mở rộng vòng tay chào đón và Sài Gòn bắt đầu bước vào đổi thay, biến thiên cùng lịch sử.


Bước qua vĩ tuyến 17, mảnh đất miền Nam như khoác một tấm áo hoàn toàn khác: trù phú hơn, hiền hòa hơn, phóng khoáng hơn và tình hơn. Sài Gòn lúc bấy giờ được gọi là thủ đô của miền đất phương Nam đẹp đẽ này. Bởi vậy mà cha bỏ quê con bỏ xử đến vùng đất xa xôi để sống, để tìm cuộc sống tự do, tươi sáng hơn. Bài hát 1954-1975 của cố nhạc sỹ Phạm Duy là một bản nhạc tình viết cho hai thời kỳ lịch sử của đất nước Việt Nam, viết cho cả một giai đoạn nhiều niềm vui cũng lắm nước mắt của cả một đời người. Hà Nội năm ấy không thể ngăn được bước chân của bao con người đi tìm vùng đất tự do, và Sài Gòn trong thời khắc đau thương gục ngã đã che chở cho biết bao con người một lần nữa bỏ xứ ra đi. Hai chữ "Tự do" tưởng chừng giản đơn mà sao xa vời đến thế. Bỏ quê bỏ xứ, vượt rừng vượt biển rồi đau đáu nhớ thương hết một kiếp người. Cố nhạc sỹ Phạm Duy đã dồn mọi cảm xúc của mình vào từng ca từ trong bài hát để mỗi khi bài hát vang lên ở đâu đó người nghe lại một lần rơi nước mắt khóc cho những cuộc chia ly không ngày trở lại. Miền Nam 20 năm đón nhận những cuộc đổi thay lớn, 20 năm gồng mình cho một cuộc chiến với một mong muốn tự do, 20 năm tràn ngập tình người. Và rồi sau 20 năm bước vào tăm tối của kiếp sống tha hương nơi xứ người và lưu đày trên chính quê hương. Phạm Duy đã khóc cho thân phận con người với hai lần di tản, hai lần lầm than mà chưa một lần được tự do thực sự.


Với 1954-1975 người đời sau sẽ hiểu về một Việt Nam với biến thiên lịch sử, một Sài Gòn số kiếp long đong với giấc mộng chưa tròn.....



Ozzie Nguyen

No comments:

Post a Comment