Monday, May 5, 2014

Giáo dục ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa


Sau Hiệp định Geneve, Chính quyền miền  Nam lĩnh hội những thành tựu của nền giáo dục Đông Dương (Pháp), xây dựng nền Quốc gia Giáo dục của Việt Nam. Nó chọn lọc và kế thừa 3 nền giáo dục: Nho học (Cựu học), Tân học (Giáo dục thực dân) và Tây học (Giáo dục Pháp Quốc).




Nền giáo dục Quốc Gia Việt Nam là nền giáo dục đại chúng bao gồm các bậc: Phổ thông (12 năm), Đại học, hậu Đại học. Hệ Giáo dục Phổ thông (12 năm) gồm 3 cấp: Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Trung học Đệ nhị cấp với chương trình từng bậc từng lớp và từng môn được Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo cụ thể và ban hành, thống nhất áp dụng toàn quốc. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mở rộng cửa đào tạo và tạo điều kiện cho tất cả những ai muốn đi học, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt hệ thống văn bằng và hình thức đào tạo.
Chương trình học và sách giáo khoa được các nhà giáo dục chuyên nghiệp dày công nghiên cứu soạn thảo công phu nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức và trang bị tri thức cho học sinh. Người học được tiếp cận kiến thức qua lịch sử, tiếp thu văn minh nhân loại, học thuyết triết học khác nhau kể cả chủ nghĩa cộng sản để nâng cao tầm nhìn, mà không gò ép theo riêng một chủ thuyết nào. Ở hệ giáo dục phổ thông có 3 kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp: Tiểu học, Trung học và Tú tài. Hai kỳ thi Tiểu học và Trung học không bắt buộc thi nhưng Nhà nước vẫn tổ chức thi hàng năm cho người cần bằng cấp tiện cho mưu sinh.


Kỳ thi được tổ chức là để khảo sát trình độ và đánh giá kết quả học tập của người học. Đề thi được thực hiện dưới dạng bài tự luận hoặc trắc nghiệm (test); vấn đáp hoặc viết, hoặc phối hợp các loại. Việc học hành và thi cử dưới chế độ VNCH được tổ chức rất quy củ nề nếp, công bằng và bình đẳng với mỗi người học. Kỷ cương nghiêm ngặt, không có ngoại lệ. Học sịnh Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3) không còn viết sai chính tả, thi Tú tài phạm lỗi chính tả bị điểm loại. Sinh ngữ dưới nền giáo dục VNCH rất được chú trọng. Học sinh bắt đầu học sinh ngữ từ Đệ thất (lớp 6) của Trung học Đệ nhất cấp (cấp 2). Sinh ngữ thông dụng thời đó là Pháp ngữ, Anh ngữ, Hoa ngữ, Đức ngữ. Văn bằng Tú tài của VN lúc đó được Pháp công nhận tương đương văn bằng Tú tài của Pháp. Với văn bằng này, người Việt Nam có thể được nhận vào bất cứ trường Đại học náo trên Thế giới, kể cả Pháp, Mỹ và có trình độ không thua kém người chính quốc.


Về hệ đại học: Viện Đại học thành lập ở những Trung tâm đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ theo mô hình các nước Châu âu và Mỹ. Viện Đại học hoạt động độc lập và tự chủ, không có sự can thiệp của bên ngoài - kể cả Bộ Quốc gia Giáo dục đương thời. Nhà trường hoạt động theo cơ chế tập thể lãnh đạo (Hội đồng khoa) và cá nhân phụ trách (Khoa trưởng). Khoa trưởng là người đứng đầu Hội đồng khoa, các phân khoa hợp thành Hội đồng Viện Đại học. Hội đồng Viện Đại học tấn phong Viện trưởng, chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động đào tạo giữa các phân khoa cùng Viện và chỉ đạo phương hướng hoạt động chung của toàn Viện. Bước vào cổng trường Đại học, sinh viên được học tập trong môi trường hoàn toàn khác biệt với cấp Phổ thông. Giảng đường là nơi sinh viên giao lưu, trao đổi với các học giả, nhà khoa học lớn. Qua đó sinh viên được hướng dẫn cách tự học, đọc, nghiên cứu và tự tìm cách nhận thức, tiếp thu và phát triển trí tuệ của bản thân. Sinh viên không bị gò ép, được tự do chọn lựa theo năng khiếu, sở thích và sự quan tâm của mình. Trong trường Đại học, sinh viên được quyền tự do nói lên tiếng nói của mình về mọi vấn đề của đất nước và xã hội, tự do hoạt động trong khuôn khổ nội quy trường.


Có thể nói nền giáo dục dưới chế độ VNCH là một nền giáo dục ưu việt, tiếp thu và lĩnh hội đầy đủ tinh hoa của các nước phát triển, đào tạo cho xã hội những con người có tri thức, có nhân cách và có tầm hiểu biết rộng. Con người trong xã hội lúc đó luôn coi trọng tính nhân bản, cư xử thân ái và chuẩn mực. Cho dù 20 năm binh biến, con người vẫn luôn bao bọc, chở che nhau bằng chính cái tâm chứ không giáo điều, hô khẩu hiệu và áp đặt như hiện tại. Việt Nam đã từng tồn tại một nền giáo dục chuẩn mực như thế: nền giáo dục VNCH

Ozzie Nguyen
(Thông tin tham khảo: Viện Việt Học)

No comments:

Post a Comment