Monday, April 28, 2014

Sài Gòn kỷ niệm - Nhạc sỹ Anh Bằng



Nhớ mãi Sài Gòn yêu thương, và khắc khoải những kỷ niệm. Cảm ơn nhạc sỹ Anh Bằng về những cảm xúc mà nhạc sỹ đã dành cho Sài Gòn để mỗi người con đi xa có những phút lắng mình sau những buồn vui của cuộc sống.

Ozzie Nguyen

Sài Gòn, còn đó nỗi buồn


Đất nước đang chuyển mình theo thời cuộc nhưng tất cả những gì được tô vẽ trong bức tranh đẹp kia chỉ là sự hào nhoáng giả tạo hòng che đậy một xã hội băng hoại về mọi mặt. Cùng sự thay đổi của thể chế chính trị sau năm 1975 con người cũng đã đổi thay quá nhiều, tính cách đạo đức, giao tiếp cộng đồng đang dần mất đi. Tuổi trẻ luôn là tầng lớp nòng cốt trong xã hội phát triển tuy nhiên chính họ lại đang bị lung lay nhất. Họ sống ồn ào, náo nhiệt, chạy theo giá trị vật chất và sống hoàn toàn vô cảm. Điều khiến họ trở thành như vậy chính là do đất nước ngày hôm nay đang mất dần các giá trị dân chủ và công bằng. Nền giáo dục chỉ dạy họ cộng trừ nhân chia chứ không dạy họ phương pháp, dạy ho yêu Tổ quốc yêu đồng bào nhưng không cho họ thấy niềm tin để yêu. Thiếu niềm tin họ sinh ra chán chường và chạy theo lối sống buông thả, ngắn hạn và nửa vời.

Ngẫm nghĩ và nhìn lại tôi đặt bút viết về một khoảng thời gian lịch sử đã qua, nơi đã từng tồn tại một thể chế chính trị hoàn toàn khác hôm nay để hiểu hơn những gì được mât hay cái gọi là Tự do - Dân chủ có thực sự đúng? Ngược dòng lịch sử quay trở về Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước. Sài Gòn lúc này đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, với những con phố nổi tiếng như Nguyễn Huệ, Tự Do, Lê Lợi. Khách du lịch, giao thương buôn bán đến Sài Gòn tấp nập mỗi ngày. Đời sống kinh tế sung túc ổn định. Tết vẫn luôn là những phút giây thiêng liêng với mai vàng nở rộ từng ngõ xóm, pháo nổ râm ran suốt 3 ngày. Thanh niên thời đó luôn mang trong mình lý tưởng và hoài bão của tuổi trẻ, học hành hăng say, sôi nổi. Nhiểu người con nhà khá giả đã được đi du học. Họ mơ ước xây dựng quê hương giàu mạnh bằng học vấn của mình.

Từ năm 1963 đến năm 1975, cuộc chiến leo thang trầm trọng khi miền Bắc thường xuyên gây áp lực về mặt quân sự. Giấc mơ về một xã hội bình yên phồn thịnh đã không còn mà chỉ là sự hủy diệt. Biến cố Mậu Thân 1968 mãi mãi là biến cố đau thương nhất của dải đất miền Nam Việt Nam. Xác người, xác đồng bào miền nam chất cao như núi. Sau năm 1971, cuộc chiến đã khốc liệt hơn với những mất mát, đổ vỡ và ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam hoàn toàn sụp đổ như một tất yếu dành cho một thể chế chính trị non trẻ. Cả Sài Gòn lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng trên chính quê hương mình. Và họ dáo dác ra đi để tìm lại tự do cho mình, sự tự do ấy đánh đổi bằng cái giá quá đắt: chết trên biển, rồi lang thang nơi xứ người... Vẫn biết sẽ có ngày trở về tìm lại Sài Gòn nhưng ai cũng hiểu Sài Gòn đã thực sự mất kể từ ngày ấy. Mỗi khi 30 tháng 4 trở về họ lại một lần nhớ về Sài Gòn trong nỗi khắc khoải khôn nguôi.


Đường Tự Do

Sài Gòn với khu nhà thờ Đức Bà, với khách sạn Caravelle nổi tiếng ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, với tòa nhà Quốc Hội, rạp cine Rex, hiệu kem Givral ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Sài Gòn với những kios bán hoa, bán băng đĩa nhạc với dòng nhạc say nửa hồn người. Sài Gòn oi bức, khói bụi của những chiếc xe Honda. Tôi nhớ con đường Duy Tân với hàng cây dài bóng mát và lũ học trò vẫn hay thơ thẩn dạo chơi làm thờ mỗi chiều tan học về. Những ngôi trường cổ kính vẫn còn đó. Trường Chu Văn An ở khu nhà thờ Ngã Sáu ở Minh Mạng, trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những kỷ niệm học đường, những buồn vui thi cử, tình yêu học trò mộng mơ cứ theo tôi suốt trong nỗi nhớ Sài Gòn. Brodard và Givral vẫn thi vị như ngày nào.
Những đổi thay hôm nay đã mang tới Sài Gòn một bộ mặt hào nhoáng với những building sang trọng và hiện đại. Nhưng những ai đã sống ở Sài Gòn vào những năm tháng xa xưa sẽ hiểu được cái giá mà Sài Gòn và những con người đang sống phải trả. Đất nước đang chứng kiến sự đổi thay trầm trọng, đạo đức con người xuống mức tệ hại, tình người không còn, cướp giật liên miên. Cộng sản họ không hiểu hay cố tình không hiểu khi mãi giương cao cờ hoa biểu ngữ là Độc lập, là Tự do, là Hạnh phúc. Họ ca ngợi chiến thắng của mình, ru ngủ dân tộc mình đến khi nào? Tôi còn nhớ câu nói của nhà văn Dương Thu Hương sau năm 75 vào tới Sài Gòn: "Man rợ đã chiến thắng văn minh" bởi bà đã nhận ra sự ngu dốt của cộng sản khi phá hủy cả một xã hội tân tiến vượt bậc. Cộng sản cho rằng Mỹ muốn biến miền Bắc về thời kỳ đồ đá nhưng hay thử nhìn miền Nam mà đặc biệt là Sài Gòn trước năm 75 và nhìn đất nước ta sau 30/4/1975 cái gì được cái gì mất đã quá rõ ràng. Đất nước hôm nay đang thật sự ngột ngạt bởi dân oan, bởi tiếng kêu cứu của những người bị áp bực, của tù chính trị và của giới trẻ đang từng ngày muốn thể hiện ý chí của mình. Rồi nhưng thay đổi lớn lao sẽ đến, con người hay những định chế xã hội theo quy luật sẽ đổi thay. Nhưng cần hơn hết lúc này là sự hiểu biết, là suy nghĩ xa và rộng của người dân. Tự ru ngủ mình chỉ khiến mình tự đào thải khỏi sự thay đổi không ngừng của thế giới.


Tôi ước mơ trở lại Sài Gòn xưa, với những con đường ngợp lá me bay trong cơn gió mát rượi đổ về từ sông Sài Gòn, dòng sông đã chứng kiến hết  thảy những thăng trầm của lịch sử. Hãy níu lại những gì đẹp đẽ đã đi qua để làm động lực một ngày mang Sài Gòn trở lại...

Ozzie Nguyen